Viêm gan A nguy hiểm thế nào?
Bên cạnh viêm gan B và C, viêm gan A cũng là một bệnh lý cần được quan tâm và có cách ngăn ngừa phù hợp, bởi dù hiếm gặp, bệnh vẫn có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), viêm gan A là một bệnh gan nghiêm trọng do virus viêm gan A (HAV) gây ra. Hầu hết người lớn mắc bệnh viêm gan A đều có các triệu chứng chung, bao gồm mệt mỏi, ăn ít, đau dạ dày, buồn nôn, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đi tiêu nhạt màu. Trong khi đó, bệnh thường ít biểu hiện triệu chứng ở trẻ em dưới 6 tuổi.
Không giống như viêm gan B và C, viêm gan A không gây ra bệnh cảnh viêm gan mạn tính. Đa số các triệu chứng viêm gan A chỉ kéo dài vài tuần và thường sẽ hết hoàn toàn mà không gây ra các tổn thương lâu dài trên gan. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đặc biệt ở bệnh nhân trên 50 tuổi hoặc đang mắc các bệnh về gan khác, viêm gan A có thể dẫn đến viêm gan tối cấp (suy gan cấp tính) và nghiêm trọng hơn là tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính năm 2016, toàn thế giới có hơn 7.000 người tử vong do viêm gan A (chiếm 0,5% số người tử vong do các loại virus viêm gan).
Virus viêm gan A được tìm thấy nhiều nhất trong phân và cả nước bọt, nước tiểu của người bệnh. Các chất thải của bệnh nhân có thể làm ô nhiễm môi trường xung quanh và khiến virus dễ phát tán hơn. Một người bình thường có khả năng bị nhiễm bệnh khi:
- Tiếp xúc gần với người bệnh
- Ăn thức ăn chế biến bởi người nhiễm virus viêm gan A không rửa tay đúng cách hoặc rửa tay bằng nước bị nhiễm bẩn
- Uống phải nước bị nhiễm virus
- Ăn các loại động vật có vỏ (sò, ốc...) sống ở những khu vực bị ô nhiễm
- Quan hệ tình dục với người mắc bệnh viêm gan A, đặc biệt là những đối tượng quan hệ đồng giới nam
Điều đáng lo ngại là virus viêm gan A có khả năng lây nhiễm cao nhất ngay từ 2 tuần trước khi các triệu chứng xuất hiện. Không những thế, virus tồn tại khá lâu trong môi trường và có thể sống sót qua các quy trình sản xuất thực phẩm thường được sử dụng để bất hoạt hoặc kiểm soát vi khuẩn gây bệnh.
Biện pháp phòng ngừa viêm gan A
Tiêm vaccine ngừa viêm gan A được đánh giá là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa virus viêm gan A.
Vaccine ngừa viêm gan A chứa các virus bất hoạt nên không gây tình trạng viêm gan. Khi được đưa vào cơ thể, vaccine sẽ kích thích sản sinh ra kháng thể, đây là các protein có khả năng chống lại và tiêu diệt virus, đồng thời ngăn ngừa sự lây nhiễm của chúng.
Hiện nay, vaccine ngừa viêm gan A có 3 loại chính là:
- Vaccine ngừa viêm gan A đơn thuần
- Vaccine kết hợp ngừa viêm gan A và viêm gan B
- Vaccine kết hợp ngừa viêm gan A và sốt thương hàn
Vaccine ngừa viêm gan A được sử dụng để phòng ngừa các vấn đề do virus viêm gan A gây ra ở người từ 12 tháng tuổi trở lên. Đặc biệt, người có dự định đi đến những vùng có dịch nên tiêm vaccine ngừa viêm gan A trước khi đi ít nhất 2 tuần.
Vaccine viêm gan A sẽ phát huy hiệu quả tối đa khi được tiêm đúng và đủ liều. Liều tiêm vaccine được khuyến cáo cho trẻ em và người lớn là 2 liều (1 liều chính và 1 liều tăng cường), cách nhau từ 6 - 18 tháng tùy loại vaccine. Ngoài ra, người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân viêm gan A nhưng chưa tiêm vaccine trước đó cũng nên tiêm ngay trong 2 tuần đầu sau khi phơi nhiễm.
Ngoài tiêm vaccine, mọi người cần chủ động thực hiện những biện pháp khác để phòng ngừa viêm gan A như:
- Chú ý vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ nếu có khả năng phơi nhiễm cao với virus viêm gan A
- Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm, thức uống không rõ nguồn gốc, bị ô nhiễm
- Quan hệ tình dục an toàn
Anh Chi (Theo Medicinenet)